Phong trào thi đua “Giỏi việc trường – Đảm việc nhà” có sức lan tỏa, ngày càng có chiều sâu, phát huy được phẩm chất tốt đẹp và tiềm năng to lớn của nữ cán bộ, nhà giáo, người lao động trong các hoạt động giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, góp phần phát triển kinh tế xã hội và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, khẳng định được vị thế của đội ngũ nữ cán bộ trong sự nghiệp trồng người.
Trong 5 năm qua, được sự chỉ đạo sát sao của Công đoàn trường đại học Mở Hà Nội và Ban chủ nhiệm Khoa Tiếng Anh, Tổ công đoàn Khoa Tiếng Anh đã thực hiện có hiệu quả phong trào “Giỏi việc trường – Đảm việc nhà” trong đội ngũ nữ nhà giáo và người lao động.
I. Công tác chỉ đạo thực hiện phong trào.
Căn cứ vào chương trình hoạt động của Công đoàn trường đại học Mở Hà Nội và những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu được đề ra trong phương hướng triển khai của phong trào giai đoạn 2016-2020, Tổ công đoàn Khoa Tiếng Anh đã tích cực, chủ động và triển khai sâu rộng phong trào “Giỏi việc trường – Đảm việc nhà” đến 100% nữ công đoàn viên trong Khoa gắn với việc thực hiện chuyên môn của Khoa Tiếng Anh.
Hàng năm, công đoàn cụ thể hóa chương trình hành động thông qua các văn bản chỉ đạo về công tác nữ công tới tất cả nữ công đoàn viên. Sự phối kết hợp giữa tổ chức công đoàn với chính quyền và với các tổ chức đoàn thể như đoàn thanh niên trong đơn vị ngày càng chặt chẽ, biểu hiện sự nhất trí cao trong việc chỉ đạo và tổ chức các phong trào thi đua.
Trong 5 năm qua, Tổ công đoàn Khoa Tiếng Anh đã thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, với nội dung: “Đổi mới phương pháp hoạt động nữ công”, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, nữ cán bộ giáo viên phấn đấu đạt chuẩn mực người phụ nữ ngành Giáo dục trong thời kỳ Công nghiệp hóa -Hiện đại hóa đất nước, nâng cao năng lực giảng dạy, nâng cao tinh thần kỷ cương, tình thương, trách nhiệm. Tổ công đoàn tổ chức bình xét các danh hiệu thi đua của phong trào thi đua “Giỏi việc trường – Đảm việc nhà” vào cuối năm học.
II. Kết quả việc thực hiện phong trào “Giỏi việc trường -Đảm việc nhà” và những tấm gương tiêu biểu
1. Kết quả hoạt động và thực hiện phong trào “Giỏi việc trường, đảm việc nhà” của tổ công đoàn khoa Tiếng Anh giai đoạn 2016-2020
Phong trào “Giỏi việc trường – Đảm việc nhà” đã được duy trì và phát triển sâu rộng trong Khoa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới giáo dục trong thời kỳ hội nhập và góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng dạy học và nghiên cứu khoa học. Bộ phận nữ công của Tổ đã cụ thể hóa các nhiệm vụ trong chương trình hoạt động của từng năm học. Nữ nhà giáo và người lao động đã xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm là phải không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và bản lĩnh chính trị mới có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Trong đó phải chú trọng đến công tác tự học, tự bồi dưỡng, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, sử dụng công nghệ thông tin trong quá trình giảng dạy, quan tâm đến chất lượng giáo dục toàn diện, kịp thời khắc phục những yếu kém, hạn chế về năng lực sư phạm để đáp ứng những yêu cầu đổi mới phù hợp với cuộc cách mạng 4.0. Chính vì vậy, trong đợt dịch Covid-19 vừa qua, các giảng viên nữ của Khoa Tiếng Anh đã hoàn thành tốt việc giảng dạy trực tuyến và áp dụng rất nhiều kiến thức về khoa học công nghệ trong quá trình dạy và học. Các hoạt động chuyên môn như giảng dạy, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học, nghiên cứu khoa học… đều được các nữ giảng viên thực hiện rất tốt. Sự thành công của mỗi nữ nhà giáo trong giảng dạy góp phần nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ trong đơn vị, trong nhà trường và xã hội.
Có thể khẳng định phong trào “Giỏi việc trường – Đảm việc nhà” đã đem lại nhiều cơ hội cho nữ giảng viên của Khoa được cống hiến và trưởng thành, mạnh dạn áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ vào trong quá trình giảng dạy và thực tế giảng dạy cho từng môn học.
Phong trào “Giỏi việc trường – Đảm việc nhà” có vai trò quan trọng trong việc xây dựng gia đình nhà giáo văn hóa, ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững. Nữ công đoàn viên trong Khoa đều chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho mọi thành viên trong gia đình, nuôi dưỡng bố mẹ, dạy dỗ các con ngoan, học giỏi, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ, nâng cao về mặt nhận thức, đổi mới tư duy, sắp xếp “Việc trường-Việc nhà” phải thật khoa học, hiệu quả.
2. Những tấm gương tiêu biểu trong phong trào “Giỏi việc trường – Đảm việc nhà”
Khoa Tiếng Anh có nhiều gương điển hình tiêu biểu cho phong trào “Giỏi việc trường – Đảm việc nhà” giai đoạn 2016-2020, tiêu biểu như: Cô giáo Trần Thị Lệ Dung và Nguyễn Thị Tuyết Lan đã vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng; cô Nguyễn Thu Hường đã đạt chức danh giảng viên chính và chiến sỹ thi đua; các cô giáo Ngô Thanh Thảo, Trần Thị Lệ Dung, Phạm Thị Bích Diệp, Nguyễn Thị Kim Chi đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở; cô giáo Ngô Thanh Thảo có bài báo khoa học đăng trên hội thảo khoa học quốc tế.
Rất nhiều nữ giảng viên đã tham gia vào các chương trình hiến máu và từ thiện do Nhà trường, các bệnh viện và các tổ chức trên địa bàn Thành phố Hà Nội phát động như cô Phạm Tố Hoa, Vũ Diệu Thúy, Lê Ánh Tuyết, Nguyễn Mai Huơng, Lê Vy, Phạm Minh Phương…Đặc biệt cô giáo Vũ Diệu Thúy đã tham gia rất nhiều chương trình thiện nguyện như: Kêu gọi các chương trình ủng hộ lũ lụt cho xã Mù Cang Chải năm 2018, Thanh Hoá năm 2019; ủng hộ xây cầu ở Yên Bái năm 2019 (28,7 triệu), xây trường học ở Điện Biên (60 triệu), xây trường Mầm Non ở Sơn La 2019 (40 triệu; Mua bút, vở, áo khoác, dép tặng học sinh cấp 1,2 xã Du Tiến, Yên Minh, Hà Giang năm 2019…
III. Một số giải pháp thực hiện phong trào “Giỏi việc trường – Đảm việc nhà” giai đoạn 2020-2025
– Tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào thi đua “Giỏi việc trường – Đảm việc nhà”; vận động nữ công đoàn viên chủ động, tích cực học tập, bồi dưỡng, nghiên cứu nhằm nâng cao trình độ, năng lực; đổi mới phương pháp giảng dạy và quản lý, nghiên cứu khoa học; ứng dụng sản phẩm khoa học có hiệu quả; tích cực tham gia các phong trào thi đua, các cuộc vận động; xây dựng tập thể, đơn vị đoàn kết, phát triển vững mạnh và xây dựng gia đình theo tiêu chí no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Quan tâm đến lợi ích xã hội và cộng đồng và tiếp tục phát huy các chương trình thiện nguyện. Tích cực thực hiện phong trào liên quan đến bình đẳng giới…
– Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng ý nghĩa của phong trào thi đua “Giỏi việc trường – Đảm việc nhà”; cụ thể hóa tiêu chuẩn thi đua “Giỏi việc trường – Đảm việc nhà” cho phù hợp với tình hình của đơn vị; định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá phong trào, biểu dương và khen thưởng kịp thời, nhân rộng các cá nhân điển hình tiến tiến.
Động viên nữ công đoàn viên tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực nghề nghiệp, tin học, ngoại ngữ đáp ứng được yêu cầu mới. Tổ chức các buổi tọa đàm và tập huấn và chia sẻ giúp nữ công đoàn viên có nhiều kiến thức và kinh nghiệm hơn về các hoạt động của công đoàn.
Nguyễn Thị Kim Chi, Công đoàn Khoa Tiếng Anh
Trường Đại Học Mở Hà Nội